LÀM GÌ KHI CON ĂN CẮP VẶT?

XỬ LÝ KHI CON CÓ BIỂU HIỆN LẤY ĐỒ CHƠI CỦA BẠN

Một lần đón con đi học về, tôi thấy con trai có đồ chơi mới. Tôi thấy đồ lạ thì nhận ra ngay. Linh cảm mách bảo tôi là có thể con vì thích mà lấy của bạn khác cùng lớp. Làm thế nào để biết sự thật mà không tạo ấn tượng xấu cho con về việc không được tin tưởng và tôn trọng? Nhưng nếu quả thật như thế thì tôi sẽ phải giúp con nhận thức được hành vi đó là không tốt và thay đổi hành vi đó như thế nào để không để lại kí ức xám cho con?

Băn khoăn một lúc, tôi hỏi con: – Con có đồ chơi mới à?

Con trai nhìn tôi qua loa không nói gì. Thấy vậy, tôi nói thêm:

– Đây là lần đầu tiên mẹ nhìn thấy đấy. Cái đó tên là gì, dùng để làm gì vậy con?

Đến lúc này, con trai tôi mới bắt đầu khoe về cái huy hiệu trong gói bim bim gọi tên là “Hải Tặc” mà tất cả lũ trẻ lớp con mê tít. Nào là mỗi con Hải Tặc có đặc tính gì khác biệt, điểm số ra sao, sức mạnh thế nào. Nào là chơi như thế nào. Nghe con kể, tôi biết con rất thích con Hải Tặc đó. Tôi vừa nhắc lại vừa hỏi con:

LÀM GÌ KHI CON ĂN CẮP VẶT?
LÀM GÌ KHI CON ĂN CẮP VẶT?

– Con vừa nói con Hải Tặc này ở trong gói bim bim à?

Con trai vội nói:

Vâng. Nhưng con biết bim bim không tốt cho cho sức khỏe. Bố mẹ không cho mua. Nên con không mua bim bim đâu ạ.

Tôi vừa xoay xoay đồng huy hiệu nhìn ngắm vừa hỏi hững hờ như không có gì nghiêm trọng lắm:

– Thể từ đầu con có cái này?

Con trai lí nhí: – Con mượn bạn mang về chơi ạ.

– À, thế à?

Tôi làm ra vẻ quan tâm, quay nhìn con nói chuyện tiếp:

– Thế con hỏi mượn bạn và bạn đồng ý cho con mang về nhà chơi à?

Con trai lí nhí:

– Không ạ. Con mượn… nhưng con… chưa hỏi mượn bạn í.

Tôi nhìn con chăm chú, hỏi:

– Thật à? Sao con không hỏi mượn bạn trước khi lấy mang về?

Con lí nhí đáp:

– Nhưng… con sợ bạn không đồng ý. Con thích nó lắm. Mà con chỉ muốn ngắm nó thật kĩ thôi. Mai đến lớp con trả lại bạn luôn. Con không lấy của bạn đâu.

Nhìn con trai sáu tuổi của mình ngượng ngùng, cảm thấy có lỗi và phân trần về sự trong sạch của mình trong tình huống này, tôi thấy thương con quá. Như thương chính mình năm xưa. Con tôi vốn là một đứa trẻ khá nhạy cảm, nhạy cảm hơn tôi rất nhiều. Tôi trấn an con:

– Mẹ hiểu là con chỉ muốn mượn bạn Hải Tặc này mang về ngắm và chơi tối nay thôi, rồi mai trả lại bạn luôn. Đúng không con?

Con khẳng định, có phần đỡ bối rối:

– Vâng ạ.

Thấy con vẫn lắng nghe vì biết mẹ ở phe mình nên tôi được thể giải thích thêm:

– Thế nhưng con à, nếu con mượn mà không hỏi bạn trước và chưa được sự cho phép của bạn, thì bạn có thể hiểu nhầm con đó. Hành vi lấy đồ lặt vặt của ai đó mà chưa xin phép, chưa được người đó đồng ý, thì gọi là ăn cắp vặt đó con ạ. Mà ăn cắp vặt thì bị coi là xấu và bị chê cười. Mẹ thấy là con không cố tình làm vậy. Con chưa hiểu chuyện nên lỡ phạm sai thôi. Con muốn mọi người tôn trọng, yêu mến con phải không?

– Vâng ạ.

– Vậy thì từ sau con muốn mượn đồ của bạn thì con phải làm gì?

– Phải hỏi mượn bạn trước ạ. Tôi nhắc lại lần nữa để con nhớ:

– Tốt lắm! Từ lần sau, nếu muốn mượn người khác cái gì, dù là thích đến mấy, thì con vẫn phải nhớ hỏi xin phép trước. Họ đồng ý cho mượn thì con mới được mượn. Con hiểu không?

– Con hiểu rồi ạ.

– Con hiểu như thế nào?

– Là muốn mượn ai cái gì thì phải hỏi xin phép trước, họ đồng ý thì mới được lấy ạ.

Tôi xoa đầu con:

– Đúng rồi. Mượn bạn cái gì thì phải hỏi trước, bạn đồng ý thì mới được lấy. Thế… nếu bạn không đồng ý cho con mượn thì con có lấy không?

LÀM GÌ KHI CON ĂN CẮP VẶT?
LÀM GÌ KHI CON ĂN CẮP VẶT?

– Không ạ.

Tôi bồi thêm để xác định cho con hiểu rõ quyền hạn của con và của bạn trong trường hợp này:

– Giỏi lắm! Hải Tặc là của bạn nên đồng ý hay không đồng ý là quyền của bạn, đúng không con?

– Đúng ạ. Tôi hào hứng hỏi con:

– Con thử nghĩ xem con có thể làm gì khiến bạn cho con mượn đồ chơi nào?

Cu cậu gãi gãi đầu suy nghĩ rồi trả lời:

– Con có thể đổi món đồ chơi khác cho bạn í. Để chơi nào của con bạn thích thì con đổi cho. Được

không mẹ?

– Ồ, cách đó hay đấy. Cả hai cùng có thứ đồ chơi mình thích nên bạn có thể muốn đổi cho con. Còn cách nào khác không?

– Con có thể dạy bạn chơi trò Hải Tặc siêu hơn nếu bạn đồng ý cho con mượn về nhà chơi. Con biết bật tung xa con Hải Tặc nhất lớp mà bạn í chưa biết làm.

– Cách đó hay đấy. Bạn cần con dạy cách chơi nên cho con mượn đồ chơi. Còn cách nào nữa không?

– Ờ… con có thể làm việc gì đó bạn thích, bạn muốn con làm để bạn cho mượn ạ.

– Ồ, thế à? Con làm bạn thích nên bạn cho con mượn. Còn cách nào nữa không?

– Con mới nghĩ ra thế thôi. Để con nghĩ tiếp sau.

– Ừ. Con có nhiều cách để bạn đồng ý cho con mượn đồ chơi mà. Cứ hỏi mượn thôi. Nếu bạn không cho mượn, con vẫn có thể mượn bạn khác, bạn nào thích con í. Nhỉ?

Con trai vui vẻ thưa:

– Vâng ạ.

Lúc này, khi con cảm thấy thoải mái và vui vẻ rồi, tôi cần giúp con biết sửa lỗi. Tôi hỏi con:

– Con à, mai đến lớp, con sẽ trả lại bạn con Hải Tặc phải không?

– Vâng ạ. – Tốt lắm! Con sẽ trả bạn như thế nào?

– Con sẽ gọi bạn ra một chỗ để trả bạn. Con sẽ xin lỗi bạn. Con sẽ dạy bạn chơi bắn xa Hải Tặc và cho bạn một đồ chơi của con bạn thích.

– Thế à? Nếu mẹ là bạn thì mẹ sẽ rất vui đấy. Mai đi học về nhớ kể mẹ nghe chuyện đó nhé!

Con trai nhanh nhảu thưa:

– Vâng ạ.

Quả thật, chiều hôm sau, khi đi học về, con trai tôi vui vẻ kể cho mẹ nghe chuyện con đã xin lỗi bạn, trả lại đồ chơi cho bạn. Con kể bạn í rất thích chơi với con. Bạn í còn cho con Hải Tặc đó và một con khác nữa vì bạn có nhiều Hải Tặc và bạn thích con. Con vừa kể vừa cười tít cả mắt.

Thế là sau chuyện này, con không những học được bài học về hành vi hỏi mượn đồ, mà con còn có thêm một người bạn chơi thân thiết nữa trong lớp. Thực ra, nếu mẹ nuông chiều con, mẹ có thể bỏ ra một ít tiền lẻ mua bim bim để có mấy tấm thẻ hình đó cho con, để con không lấy của bạn mà chơi. Nhưng như thế thì mẹ không thể giúp con hiểu được hành vi đúng – sai, hiểu được cách để con có thứ con muốn, biết nhận lỗi và sửa sai, hiểu được giá trị của giao tiếp.

                                                                                                                         “Dạy con tự học” – Kim Thành

Đọc thêm:

Trại hè Kỹ năng sinh tồn 2024

Trại hè Chinh phục bản thân 2024

Kỹ năng sống, kỹ năng phát triển bản thân hè 2024

GỬI TIN NHẮN