Muốn khích lệ trẻ ư?
Hãy khen ngợi chúng!
Anatole France đã nói” CHÍN PHẦN MƯỜI CỦA GIÁO DỤC LÀ ĐỘNG VIÊN, KHÍCH LỆ”
Việc khen ngợi trẻ tưởng chừng quá dễ với bố mẹ, nhưng nó chỉ đúng khi lũ trẻ còn bé xíu thôi. Bố mẹ có thể nói rất tự nhiên những câu như “Con gái mẹ xinh quá!”, “Ôi! Con cười xinh quá!”, “Ôi! Con mọc răng rồi kìa! Nó mới đáng yêu làm sao!”, “Ôi! Con đã biết uống sữa bằng cốc rồi. Con giỏi quá!”, “Con xếp hình lâu đài đẹp thật đấy! Mẹ thích lắm!”… Nhưng rồi chuyện gì xảy ra sau đó? Cùng với việc con dần lớn lên, kỳ vọng của bố mẹ về con cũng lớn dần lên. Thế rồi, bố mẹ, bắt đầu kiệm lời khen, bắt đầu quên khen con. Nhưng thực ra, con vẫn cần những lời khen ngợi nhiều biết bao để cảm thấy được bố mẹ quan tâm, ghi nhận, cảm thấy tự tin hơn vào bạn thân; nhận biết việc đúng, sai; có động lực làm được nhiều việc hơn, làm tốt hơn.
Muốn khích lệ con ngày một tốt hơn, bố mẹ hãy nhìn nhận, tìm ra những điểm tốt của con, để khen ngợi. Những lần con đạt kết quả vượt trội hơn bình thường, bố mẹ nên khen ngợi và khen thưởng kịp thời. Điều đó rất có ý nghĩa với con và sẽ thúc đẩy con muốn tiếp tục phát huy những lần sau, muốn cố gắng vươn lên để tiến bộ hơn.
Bố mẹ lưu ý đừng khen quá lời khiến con dễ sinh chủ quan, tự mãn, tự phụ. Đừng khen chung chung, khen sáo rỗng khiến trẻ không biết tự đánh giá đúng bản thân. Cần khen ngợi cụ thể, để con hiểu đã làm tốt việc gì mà tiếp tục phát huy vào lần sau. Một lời khen rõ ràng, cụ thể càng cần thiết hơn với những trẻ nhỏ tuổi để chúng hiểu rõ động lực và hành vi tích cực mình đã làm được.
Bố mẹ có thể khen con theo công thức A-B
C-D như sau:
A: Thán từ, câu khen ngợi ngắn biểu lộ sự quan tâm, ghi nhận, hài lòng, thích thú hay ngưỡng mộ về việc con làm được.
B: Miêu tả rõ việc tốt con đã làm được.
C: Cảm nghĩ, cảm xúc tích cực của bố mẹ về việc đó.
D: Cảm ơn con đã làm việc đó.
Ví dụ: “Chà! Hôm nay con mẹ tự giác quét dọn nhà sạch sẽ thật. Mẹ rất vui vì con làm được việc đó. Mẹ cảm ơn con!”
– Một chiều, khi tôi đang làm bếp, con trai tôi chơi gần đó. Thấy mẹ lấy nạo ra nạo củ, con thích thú lại gần, đề nghị gọt khoai tây cho mẹ. Tôi cảm ơn con vì có ý định giúp mẹ và nạo mẫu một củ trước, rồi để con tự làm. Thực ra trong lòng tôi cũng hơi lo lắng một chút vì sợ nạo sắc có thể làm đứt tay con. Đó là lần đầu tiên con dùng đến món đồ bếp này. Nửa tiếng sau, con đã nạo xong cả rổ khoai. Tôi vui mừng xoa và thơm lên đầu con, khen: “Ồ, tốt lắm! Con đã làm được rồi. Con đã nạo được cả rổ khoai tây!”. Rồi tôi vừa lật xem vừa cầm các củ khoai cho chậu. Thấy khoai gọt sạch sẽ, tôi lại khen thêm: “cũ nào cũng sạch vỏ. Con làm cẩn thận, kiên trì và khéo léo thật đó. Mẹ rất vui vì con giúp mẹ! Mẹ cảm ơn con!” Rồi tôi lại thơm lên đầu con để con có thể cảm nhận tôi vui mừng và tự hào về con như thế nào.
Với những việc nho nhỏ, đơn giản hoặc lúc nhanh vội, thì bố mẹ chỉ cần nói câu A-B-C, hoặc AD, hoặc chỉ A, hoặc chỉ D thôi cũng vẫn có tác dụng khích lệ con. Ví dụ, hàng ngày, trẻ vẫn nhận việc tưới cây trước sân nhà. Và nếu hôm nay con cũng làm việc đó như mọi ngày với kết quả như mọi ngày thì bố mẹ chỉ cần nháy mắt khích lệ con “Tốt lắm!” là đủ.
Khích lệ trẻ là một công việc cần thiết và cao cả. Hãy luyện tập khen ngợi, khích lệ con như một thói quen thường ngày.
Dạy con tự học (Kim Thành)
Xem thêm:
Trại hè Chinh phục bản thân 2024
Kỹ năng sống, kỹ năng phát triển bản thân hè 2024