CÂU CHUYỆN VỀ CHA MẸ “GIỎI GIANG” NHƯNG LẠI CÓ CON “VÔ TÍCH SỰ”
Có vị giáo sư của một trường đại học nổi tiếng, xuất thân từ nông thôn thi đỗ được vào trường đại học của thành phố, học đến bậc tiến sĩ. Chồng là bạn học cùng trường đại học, cũng xuất thân ở nông thôn mà đỗ đại học, rất giỏi giang, là tổng giám đốc của một công ty lớn.
Họ có một cậu con trai tên Hiểu Hàng đã vào đại học. Vốn đây sẽ phải là một gia đình được bao người ngưỡng mộ, nhưng hiện tại cả gia đình lại rơi vào hoàn cảnh hết sức đau khổ. Mặc dù cậu con trai Hiểu Hàng đã đỗ đại học, nhưng điểm thi đại học không cao, chỉ vừa đủ điểm vào một trường rất bình thường, điều này đã khiến cha mẹ cậu vô cùng thất vọng. Một điều tồi tệ hơn là kể từ học kỳ đầu tiên, cậu đã có mấy môn học không đạt, sang học kì hai, số môn không đạt càng nhiều hơn.
Cậu bắt đầu bỏ học, cả ngày chỉ vùi đầu vào game, gần như không quan hệ với bạn bè. Cha mẹ tịch thu máy tính thì cậu ra hàng Internet, chơi game cả đêm không về ký túc xá. Đến cuối học ki, cậu không chịu thi, khiến nhà trường thông báo nếu cứ tiếp tục thế này, nhà trường sẽ phải đuổi học.
Khi người mẹ viết thư này kể lại tình hình của con chị cho tôi nghe, tôi có linh cảm mạnh mẽ rằng cách quản lý con của họ có vấn đề. Đến khi chị trực tiếp đến gặp tôi, thông qua tìm hiểu cặn kẽ gần như tôi đã nhìn thấy được mối quan hệ nhân quả giữa thực trạng của đứa con và phương pháp nuôi dạy của họ.
Họ đều là những bậc cha mẹ có tri thức, thành công trong sự nghiệp, làm việc khoa học, luôn nỗ lực phấn đấu để thay đổi số phận, và thế là họ kỳ vọng con mình cũng làm được như vậy, sai lầm cũng bắt đầu nảy sinh từ đây.
Theo lời kể của vị giáo sư, kể từ khi con trai chào đời, chị đã chú ý bồi dưỡng cho con nếp sinh hoạt tốt và tinh thần chịu khó, chịu khổ, anh chị cho rằng đây là điều kiện tất yếu để con trai trở thành nam nhi đại trượng phu.
Thế nên ngay từ lúc con mới bắt đầu hiểu chuyện, chị đã đề ra thời gian biểu sinh hoạt và những quy định chặt chẽ về hành vi, nếu con không chịu nghe lời, cha mẹ sẽ phê bình, lúc bực lên cũng có thể đánh con. Trước khi vào lớp 1, để rèn cho con có nếp học tập tốt, chị đã đề ra cho con thời gian biểu cụ thể, quy định làm bài tập từ mấy giờ đến mấy giờ, mỗi ngày xem tivi không quá 30 phút, thời gian đọc sách không dưới 1 tiếng, mấy giờ đi ngủ, tỉ lệ sai sót trong bài kiển tra không được vượt quá bao nhiêu %…
Thời gian đầu Hiểu Hàng biểu hiện khá ổn, hàng ngày vẫn làm được mọi công việc theo đúng quy định của cha mẹ, thành tích học tập cũng khá tốt, luôn đứng đầu tốp của lớp.
Nhưng dường như cậu bé không thể rèn được tính tự giác. Thời gian trôi qua, gần như mọi việc đều phải có sự đốc thúc và giám sát của mẹ mới có thể hoàn thành, không có việc nào là không lề mề. Từ việc thức dậy mỗi sáng, ăn sáng tới tối làm bài tập, tắm rửa và đi ngủ. Và tuổi càng lớn cậu càng tỏ ra nổi loạn, gần như mọi ý kiến cha mẹ đưa ra cậu đều chống đối. Ví dụ khi lựa chọn lớp ngoại khoá, cha mẹ cảm thấy con mình nội tâm, nhút nhát, để rèn cho con lòng dũng cảm của nam nhi, bèn đăng kí cho con lớp Tealwondo. Thấy con học hành không tập trung, để rèn cho con tính tập trung bèn đăng kí cho con lớp học cờ vây. Nghe nói bơi lội giúp rèn luyện sức khoẻ, tạo dáng đẹp, lại đăng kí cho con bơi lội. Đồng thời để giúp con có tâm hồn nghệ thuật, lại mới riêng giáo viên về dạy kèm Saxophone cho con. Khi lựa chọn những môn học ngoại khoá này, cha mẹ đều cân nhắc rất kĩ càng, nhưng Hiểu Hàng lại không chấp nhận môn nào cả. Những biểu hiện chống đối của cậu khiến cha cậu rất tức giận.
Cha Hiểu Hàng là người có tác phong làm việc nhanh nhẹn, quyết đoán, ngay cả việc cài cúc áo cũng nghĩ ra nhiều cách khác nhau nhằm tiết kiệm thời gian. Ông là một tổng giảm đốc xuất sắc, về đến nhà vẫn giữ nguyên phong thái “tổng giám đốc” trong quãng thời gian hữu hạn gần gũi con trai, phần lớn là làm công tác kiểm tra và ra lệnh, cách nói chuyện với con cũng rất võ đoán; lúc nào cũng lôi sự cầu tiến và tự giác của mình thời học phổ thông ra để giáo huấn con về sự thiếu tự giác, thiếu cầu tiến của con. Hiểu Hàng luôn rất sợ cha, không bao giờ chủ động nói chuyện với cha, các cuộc đối thoại giữa hai cha con chỉ dừng lại ở hỏi và trả lời đơn giản, giống như cấp trên với cấp dưới.
Tuy nhiên, cho dù thế nào thì thành tích học tập của Hiểu Hàng ở giai đoạn tiểu học cũng không tồi, vẫn nằm trong tốp đầu của lớp, thế nên cậu cũng được vào một trường khá ổn ở cấp 2.
Cha mẹ HH những tưởng rằng, lên cấp 2, HH sẽ chủ động hơn trong học tập và sinh hoạt, nhưng thực tế lại không được như vậy. Không những cậu không rèn được thói quen tốt, mà thành tích học tập ngày càng tệ hơn.
Để rèn cho con có nếp sinh hoạt và học tập tốt, cha mẹ HH đã áp dụng rất nhiều cách, đưa ra rất nhiều biện pháp thưởng phạt, những phương án này khi đề ra cũng đã được cậu đồng ý, nhưng sau đó do cậu không chịu hợp tác mà không thực hiện được, cuối cùng đành phải cho qua các cuộc xung đột, mâu thuẫn giữa con và cha mẹ.
Hồi ấy, công việc duy nhất HH có hứng thú là chơi game trên máy tính. Cha mẹ cậu quy định mỗi ngày chỉ được chơi một giờ đồng hồ, nhưng thực tế cậu lại không hề làm theo quy định cha mẹ đưa ra. Ngày nào HH cũng tìm cớ để kéo dài thời gian rời khỏi máy tính, cha mẹ thường xuyên phải ép tắt máy, vì chuyện này hai bên nhiều lần xảy ra xung đột. Để giúp con phân tán sự chú ý, không quá chìm đắm trong game online, cha mẹ HH gợi ý cho cậu tham gia một số hoạt động khác, mặc dù vô cùng bận rộn nhưng cha cậu vẫn bỏ thời gian ra chơi tennis với cậu.
Ý tưởng này thực hiện khá thành công. Chẳng mấy chốc HH đã thích tennis. Vì gia đình cậu sống trong khuôn viên trường đại học, trong trường có mấy sân tennis mở cửa 24/7, HH đã quen được mấy người bạn cùng tuổi, cùng thích tennis, cảm thấy rất hợp nhau. Trong lớp có một số bạn thích tennis cũng thường xuyên đến gọi cậu đi chơi tennis, điều này khiến HH nhanh chóng lãng quên game online.
Tuy nhiên, vấn đề tiếp theo là HH lại quá say mê môn tennis lại rơi vào trạng thái chơi vô độ, ngoài 2 ngày cuối tuần, cả dịp nghỉ hè, nghỉ đông gần như ngày nào cũng chơi. Cha mẹ cậu lại bắt đầu sốt ruột, cảm thấy cậu dành quá nhiều thời gian cho việc chơi bộ môn thể theo này.
Từ khi bỏ chơi game, mặc dù điểm số của HH có nhiều tiến bộ, nhưng so với mục tiêu mà cha mẹ cậu kì vọng vẫn còn rất xa. Cha mẹ cậu cho rằng, nếu cậu chăm chỉ hơn thì xếp hạng sẽ còn cao hơn nữa, và vì thế họ lại đưa ra quy định cho cậu, bất kể ngày thường hay ngày nghỉ mỗi tuần chỉ được chơi một lần, mỗi lần chỉ được chơi nửa giờ đồng hồ, bao gồm cả thời gian đi trên đường. Mỗi lần chuẩn bị ra sân tennis, HH đều hứa sẽ về nhà đúng giờ, nhưng cậu chẳng bao giờ thực hiện được lời hứa, mẹ cậu lại giận giữ chạy ra sân lôi cậu về. Điều này khiến cậu rất khó chịu, nói mẹ cậu làm cậu mất mặt, bạn bè cậu chơi cũng mất vui, từ nay trở đi cậu không dám chơi với mọi người nữa.
Nói đến đây, vị giáo sư trầm ngâm một lúc, giọng tỏ vẻ ra rất hối hận. Con vốn luôn tỏ ra nhút nhát trong quan hệ với mọi người, đây vốn là một cơ hội rất tốt để con phát triển mối quan hệ, thời gian ấy thực sự thấy con chơi với bạn bè rất vui vẻ, dường như nét mặt cũng đã có sự tự tin, nhưng tôi lại không để ý đến chuyện này. Sau đó đúng là các bạn không gọi con đi chơi tennis nữa, lúc đó tôi còn thấy mừng thầm, nghĩ sắp vào cấp 3 rồi, 3 năm học quan trọng, bớt chơi đi một cũng không sao, nếu con chăm chỉ hơn trong học tập, vào được một trường đại học tốt, vào đại học lại chơi tennis, có thêm bạn bè cũng chưa muộn.
Qua lời kể của giáo sư tôi được biết, sau khi không chơi tennis nữa, HH lại sa đà vào chơi game, cha mẹ bắt tắt máy tính thì cậu lại chơi trên di động. Để được chơi với điện thoại, cậu có thể ngồi hai tiếng liền trong nhà vệ sinh, thường xuyên phải gọi mới chịu ra. Mấy năm học cấp ba của HH gần như trôi qua trong cuộc xung đột với cha mẹ, điểm số mỗi ngày một tụt dốc, điểm thi đại học rất thấp, chỉ vào được tuyến 2. khi đăng kí chuyên ngành ở trường đại học, HH muốn chọn ngành máy tính, nhưng cha mẹ cậu lại nghĩ học máy tính chỉ là để thoả mãn ham muốn chơi game, sau này không thể tìm được việc tốt. Và thế là họ đã tìm đủ mọi cách để thuyết phục cậu đăng kí chuyên ngành mà cha mẹ cậu đã học thời đại học, vì hiện tại lĩnh vực mà cha mẹ cậu đang nghiên cứu chính là ngành này, tương lai sẽ dễ xin việc cho cậu hơn, mẹ cậu còn gợi ý cho con trai đăng kí thi thạc sĩ và tiến sĩ do chính bà làm giáo viên hướng dẫn. Vì chuyện này mà họ với con trai lại bất đồng quan điểm với nhau. Cha mẹ thì cho rằng chuyện chọn ngành là chuyện lớn cả đời, liên quan đến sự sinh tồn và phát triển sau này, do đó quyết không nhượng bộ. Cha HH bực quá còn buông một câu “người như mày thì sau này có tự tìm việc được không? Rồi cha mày lại phải ra tay thôi”. Cuối cùng HH đã phải khuất phục, cậu chỉ đưa ra một điều kiện, không học đại học ở thành phố gia đình cậu đang sống mà nhất định đòi đi học ở tính khác. Lúc đầu cha mẹ cậu cũng không đồng ý, sau đó đành miễn cưỡng chấp nhận.
Sau khi vào trường đại học, cha mẹ HH tưởng rằng tiếp theo đây chỉ việc hỗ trợ cho công việc sau này của cậu là ổn, họ không thể ngờ rằng, sau khi thoát khỏi sự giám sát của cha mẹ, HH đã hoàn toàn rơi vào trạng thái mất kiểm soát. Hiện tại thì gần như không thể hoàn thành được bậc học đại học, rất khó tốt nghiệp. Không tốt nghiệp được thì không thể xin được việc, tương lai rồi sẽ ra sao đây?
Nói đến đây vị giáo sư mạnh mẽ và thành công này đã rơi nước mắt trên cương vị của một người mẹ, chị nức nở nói, hồi tôi còn nhỏ, gia đình chẳng hề quan tâm, mọi việc hoàn toàn làm do tự giác, nhưng tôi đã bỏ ra bao tâm huyết cho con trai tôi mà sao nó lại ra nông nỗi đó? Chị phân tích thử tôi xem, sự trưởng thành của một con người, rút cuộc do giáo dục quyết định hay do yếu tố bẩm sinh trong con người anh ta?
Dường như câu hỏi của chị hơi ấu trí, hoàn toàn không phù hợp với sự lý trí và hành động tự kiểm điểm lại bản thân của chị ban nãy. Có thể là do trong tiềm thức chị mong muốn tôi nói rằng được quyết định bởi yếu tố bẩm sinh, như thế có thể chị sẽ cảm thấy an ủi hơn, cảm giác thất bại sẽ vơi đi phần nào. Nhưng tôi biết thực tế trong lòng chị đã có được câu trả lời, chị đã ý thức được rằng cách giáo dục của mình đối với con có vấn đề, do đó, hiện tại điều chị cần nhất không phải là lời an ủi mà và vạch rõ vấn đề. Do đó sau khi an ủi chị, tôi đã thẳng thắn đi sâu vào vấn đề để phân tích.
Trại hè Chinh phục bản thân 2024
Kỹ năng sống, kỹ năng phát triển bản thân hè 2024
Tôi nói, thế gian này không có bậc cha mẹ nào hoàn hảo. Gần như tất cả các bậc phụ huynh đều phạm phải nhưng sai lầm khác nhau, đương nhiên anh chị cũng không nằm ngoài số đó. Cha mẹ phạm một chút sai lầm là điều bình thường, nhưng nếu phạm nhiều thì sẽ có vấn đề. Anh chị đã phạm rất nhiều sai lầm trong quá trình nuôi dạy con, khái quát mọi sai lầm thành một vấn đề là cha mẹ quá áp đặt, không cho con sự tự do và sự tự tin. Con chị sinh ra trong một gia đình đầy đủ về vật chất nhưng lại phải luôn đeo xiềng xích về tinh thần trong quá trình trưởng thành.
Nét mặt vị giáo sư thể hiện rõ vẻ khó có thể chấp nhận quan điểm của tôi, tôi liền dừng lại và đi rót nước thêm vào cốc cho chị. Sau một lúc im lặng, tôi có cảm giác rằng chị đã tiêu hoá được phần nào câu nói ban nãy của tôi nên tôi lại nói tiếp.
Chị nói cha mẹ chị gần như không quản chị, có lẽ chị cho rằng đây là một kiểu không làm tròn trách nhiệm, nhưng đứng trên góc độ giáo dục, đây lại là một sự tạo điều kiện cho chị. Năm xưa trình độ văn hoá của cha mẹ anh chị không cao, ý thức giáo dục và điều kiện không cho phép, về mặt khách quan đã giảm bớt sự kiểm soát đối với anh chị, chính điều này đã tạo không gian để anh chị trưởng thành trong sự tự do. Anh chị tựa như những hạt giống được gieo trên cánh đồng bao la, trong điều kiện không có sự tác động mang tính phá hoại của ngoại lực, nhờ có nguồn nước và ánh nắng phù hợp – tức một số cơ hội giáo dục tốt, ví dụ gặp một số giáo viên tốt, cảm thấy tự tin hơn trong học tập nhờ một số thành tích tốt, hoặc thỉnh thoảng phát hiện ra niềm hứng thú trong quá trình đọc sách, có thời gian chơi đùa vui vẻ, tiềm năng của anh chị sẽ được phát huy tối đa.
Trong khi một số bậc phụ huynh có trình độ văn hoá cao rất thành công trong sự nghiệp, như chị hoặc chồng chị, ngoài xã hội thì rất giỏi giang nhưng ở gia đình lại quá mạnh mẽ, áp đặt. Trong cuộc sống gia đình, nếu anh chị không kiểm soát một cách có ý thức nguồn năng lượng của mình thì rất có thể sẽ hình thành nên sức kiểm soát siêu mạnh với những người xung quanh. Trong thế gian này, thái quá bất cập, mặc dù nguyện vọng chủ quan của sức kiểm soát này là tốt, nhưng về mặt khách quan lại tước đoạt ý chí tự do của người khác. Con trai chị từ nhỏ đến lớn phải nghe lệnh của anh chị trong mọi công việc, không được tự do sắp xếp thời gian, không được tự do phát triển niềm đam mê, gần như cha mẹ sắp đặt cho cậu mọi việc, và anh chị cũng không cho phép con phạm sai lầm, thậm chí không quan tâm đến lòng sĩ diện của con… anh chị tưởng rằng đây chính là giáo dục, tưởng rằng cha mẹ đã hy sinh tất cả vì con, tạo điều kiện rất tốt cho con, nhưng thực chất con trai anh chị luôn phải sống trong trạng thái nghẹt thở, cháu không có cơ hội rèn luyện khả năng tự quản lý bản thân nên khả năng này chỉ có thể ngày một thui chột đi.
(Trích: sách TUYỆT VỜI NHẤT = ĐƠN GIẢN NHẤT về nuôi dạy con của tác giả Doãn Kiến Lợi)